1 mình chăm mẹ ngoài 80 tuổi s uốt 3 năm, sau khi nghe câu chuyện của đồng nghiệp, tôi quyết định đưa bà vào viện dưỡng lão

Tin Tức

Quyết định này đã giúp người phụ nữ Trung Quốc nhận ra nhiều điều về cách hiếu thảo với cha mẹ.
Bài viết dưới đây là dòng tâm sự của cô Triệu (Nam Ninh, Trung Quốc) đang được lan truyền trên nền tảng Toutiao.

Tôi đã một mình chăm sóc người mẹ ngoài 80 tuổi của mình trong suốt 3 năm qua. Là con một, tôi cùng chồng gánh vác hết trọng trách nặng nề này. Ngày nào, tôi cũng đi sớm về muộn, làm việc chăm chỉ để đủ tài chính nhằm chăm lo cho mẹ có một tuổi già ổn định. Sau khi hoàn thành công việc ở công ty, tôi lại quay trở về nhà để chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ của mẹ. Khi tưởng rằng mình đã quá quen với cuộc sống như vậy, tôi bất ngờ nghe được câu chuyện của người đồng nghiệp. Diễn biến của câu chuyện khiến tôi có suy nghĩ khác về cách chăm lo tuổi già cho mẹ.

Ảnh minh họa

Đó là một ngày đầu tuần. Cô Lương bỗng rủ tôi đi ăn trưa ở ngoài. Người bạn đồng nghiệp của tôi thường ít chia sẻ về cuộc sống cá nhân. Nhưng hôm đó, tôi thấy cô bạn của mình ngập ngừng kể về cuộc sống gia đình. Cô cho biết, cách đây 2 năm, bố chồng qua đời, để lại người bạn đời (tức mẹ chồng cô) sống một mình. Dù các anh chị em của cô đã cố gắng hết sức chăm sóc, bên mẹ nhiều nhất có thể để bà không bị cô đơn tuổi già. Song vì mỗi người có gia đình và sự nghiệp riêng nên không thể quan tâm được bà cụ đúng cách. Chính vì thế tình trạng thể chất của bà cụ ngày càng trở nên tồi tệ.

Lo lắng cho mẹ, chị cả của gia đình nhà cô Lương còn nghỉ hẳn việc để ở nhà chăm sóc mẹ. Thực tế, mọi thứ chẳng dễ dàng. Cô kể dù nấu món ăn gì bà cụ cũng chê. Chỉ được vài thìa cơm, bà cụ đều lắc đầu không muốn ăn tiếp.

Do mệt mỏi trong người nên bà cụ thường mắng các con bằng những lời nói khó nghe. Mẹ của cô Lương bị liệt nửa người nên việc đi lại và vệ sinh cá nhân vô cùng khó khăn. Cô cho biết đều đặn mỗi tuần, chị gái cô phải dọn dẹp giường chiếu 2-3 lần.

Dẫu tận tâm như vậy nhưng sau khoảng 1 năm chăm sóc, cô Lương cho biết tất cả anh chị em đều thống nhất đưa bà vào viện dưỡng lão. Điều tất cả không ngờ là tình trạng thể chất của bà cụ được cải thiện. Đặc biệt, bà cụ cảm thấy cuộc sống bên cạnh những người bạn già này thoải mái hơn khi cứ mãi phụ thuộc vào con cái và chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường.

Câu chuyện này khiến tôi thực sự suy nghĩ về hoàn cảnh của mình. Mẹ chỉ có 1 mình vợ chồng tôi. Ngoài 80 tuổi nên sức khỏe của bà không ổn định, thường xuyên đau ốm. Nhiều khi vợ chồng tôi chăm sóc và lo cho mẹ đến mức kiệt sức, không còn tâm trí để làm việc. Song luôn có suy nghĩ con cái phải tận tay chăm sóc mẹ mới là có hiếu nên không bao giờ có suy nghĩ thuê giúp việc hay gửi bà vào viện dưỡng lão.

Nhưng khi nghe câu chuyện của cô Lương, tôi nhận ra rằng để mẹ và vợ chồng tôi có thể đi đường dài cùng nhau cần phải nghĩ khác. Bởi việc tôi tự chăm sóc mẹ không đúng cách có thể khiến thể trạng của bà ngày càng suy giảm. Việc chỉ quanh quẩn trong căn phòng của mình, chỉ giao lưu với con cái, đôi khi cũng khiến mẹ cảm thấy bí bách, không thoải mái. Bản thân vợ chồng tôi cũng cảm thấy mệt mỏi.

Sau khi nảy ra ý tưởng này, tôi đã bàn chuyện với chồng. Trong thời gian rảnh, vợ chồng tôi đã đích thân đi tìm viện dưỡng lão phù hợp. Cuối cùng, chúng tôi chọn được 1 nơi có môi trường tốt, nhân viên y tá nhiệt tình và chu đáo.

Sau khi đưa mẹ đến đây, tuần nào gia đình chúng tôi cũng đến thăm bà. Sau khoảng 1 tháng ở đây, tôi thấy mẹ vui vẻ và cởi mở hơn trước. Các nhân viên y tá cho biết mẹ tôi tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ và vô cùng hòa đồng với mọi người trong viện dưỡng lão.

Nhìn thấy sức khỏe của mẹ được cải thiện, tôi dần cảm thấy nhẹ nhõm với quyết định của mình. Tôi cũng hiểu ra rằng hiếu thảo không chỉ là cứ phải ở bên cha mẹ. Đó còn là việc tạo dựng môi trường sống hạnh phúc và an toàn cho họ.

Ảnh minh họa

Dù đã gửi mẹ vào viện dưỡng lão nhưng tôi vẫn không ngừng quan tâm, chăm sóc bà. Tôi vẫn thường xuyên liên lạc với những y tá phụ trách chăm sóc mẹ mình. Cuối tuần, cả gia đình tôi lại vào đây để trò chuyện, đi dạo cùng mẹ để bà cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của con cháu. Tôi trân trọng những phút giây như vậy và làm việc chăm chỉ để cuộc sống sau này của mẹ ngày càng tốt hơn.

Nhìn lại quyết định này, tôi cảm thấy vui vì đã kịp thời phát hiện và giải quyết được vấn đề chăm sóc mẹ. Đặc biệt, tôi thấy mừng vì đã tạo được môi trường sống tốt hơn cho bà.

Theo Đinh Anh

Theo ĐSPL Copy

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/1-minh-cham-me-ngoai-80-tuoi-suot-3-nam-sau-khi-nghe-cau-chuyen-cua-ong-nghiep-toi-quyet-inh-ua-ba-vao-vien-duong-lao-a411605.html