Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã từ trần chiều 23-11, hưởng thọ 94 tuổi.
Cố Trung tướng Khuất Duy Tiến – Ảnh gia đình cung cấp
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào sáng 24-11, đại diện gia đình Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến cho biết ông đã từ trần hồi 16h10 chiều 23-11-2024, hưởng thọ 94 tuổi.
Thông tin cụ thể về tang lễ của Trung tướng Khuất Duy Tiến sẽ được gia đình thông tin sau.
Trung tướng Khuất Duy Tiến, sinh năm 1931 trong một gia đình cố nông ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Năm 13-14 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, mở đầu bằng nhiệm vụ làm công tác thanh niên tại huyện Thạch Thất.
Theo hồi ký của ông, tháng 10-1949, Khuất Duy Tiến bắt liên lạc được với Đại đội 354 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 để đón đồng chí Ngữ về diệt tên lý trưởng xã Đại Đồng.
Sau hai lần bố trí tiêu diệt chưa thành công, để trả thù cách mạng, tên lý trưởng huy động lực lượng và bắt được Khuất Duy Tiến cùng nhiều đồng đội của ông, đưa xuống huyện giam.
Ông bị tra tấn dã man rồi bị chuyển nhà giam ở thị xã Sơn Tây và sau đó đưa về nhà tù Hỏa Lò biệt giam.
Tiếp đó, ông cùng một số đồng đội bí mật vượt ngục thành công và trở về xã Đại Đồng gặp lại người cha, nói rõ ý định muốn đi bộ đội vào quân chủ lực để trực tiếp đánh giặc.
Tháng 9-1950, ông chính thức nhập ngũ vào Đại đội 354, Tiểu đoàn 884 (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3), Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 khi tròn 19 tuổi.
Những năm ấy, Đại đoàn Đồng Bằng chiến đấu ở Sơn Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông, Thái Bình dưới quyền chỉ huy của đại đoàn trưởng tài danh Văn Tiến Dũng.
Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, ông về công tác ở Quân khu 3 một thời gian rồi cùng Sư đoàn 320 lên đường vào Nam chiến đấu.
Trong Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971, ông giữ chức trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Trong chiến dịch này, ngày 25-2-1971, tại Đồi 31, dưới sự chỉ huy của ông, đơn vị đã bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 của quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Sau đó, ông tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường từ Đắk Tô – Tân Cảnh, chiến dịch giải phóng Tây Nguyên rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia.
Ông có gần 10 năm ở cương vị chỉ huy Quân đoàn 3 tham gia giữ địa bàn trọng yếu, rồi ra bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và tổ chức hành quân trở lại Tây Nguyên, tham gia xây dựng Tây Nguyên an ninh và giàu đẹp.
Tiếp đó, ông được Bộ Quốc phòng điều động từ chức vụ tư lệnh Quân đoàn 3 về giữ chức cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu, hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 rồi nghỉ hưu theo chế độ.
Ngày 30-10-2013, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu.
Cũng với những đóng góp của mình, Trung tướng Khuất Duy Tiến được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý.
Có thể kể như Huân chương Quân công (hạng nhì, bа) Huân chương Chiến thắng chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (nhất, nhì, ba), Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…
Năm 2023, ở tuổi 92, ông được trao tặng danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú.
(Theo Tuổi Trẻ)